Tổng kết quý III/ 2020, báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2019 – 2020 đạt 169,34 triệu bao, giảm 2,2% so với niên vụ trước. Sản lượng cà phê Arabica giảm 5% chỉ còn 95,99 triệu bao, còn sản lượng Robusta thì lại tăng 1,9% lên 73,36 triệu bao.
Sự sụt giảm này bắt nguồn chủ yếu từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do Brazil cắt giảm sản lượng. Thứ hai là giá cà phê thấp liên tục, ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Trong đó có mối lo ngại rằng dịch COVID – 19 có nguy cơ bùng phát trở lại và việc gói kích thích kinh tế vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua là những yếu tố gây tác động bất lợi đến thị trường hàng hoá thế giới.
Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê trên toàn thị trường ở mức cao cũng gây áp lực lên giá cà phê thị trường. Hơn nữa, tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cùng khiến sản lượng cà phê thế giới đang dư thừa. Các quỹ đầu cơ tài chính đang thao túng cũng là nguyên nhân làm cho giá cà phê giảm mạnh.
Niên vụ 2019-2020, là năm thứ 3 liên tiếp ngành cà phê chịu khủng hoảng về giá, khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Theo đó, đối với giá cà phê nội địa, nếu như đầu niên vụ trước ở mức trên 42.000 đồng/ kg thì đầu vụ này chỉ ở mức 35.000 đồng/kg và liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 30.000-32.000 đồng/kg. Những biến động về giá cả luôn theo chiều hướng bất lợi cho người làm cà phê khi chi phí đầu vào luôn tăng. Ở chiều ngược lại, giá bán cà phê lại liên tục ở mức rất thấp. Do đó, những người trồng cà phê rơi vào tình trạng thu không đủ chi, nhiều vườn cà phê đã bị nông dân chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị hơn.
Cùng với khủng hoảng giá, ngành cà phê Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Điển hình là tình trạng cà phê già cỗi đang tăng nhanh. Mặc dù thời gian qua, việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên đã được đẩy mạnh song thực tế diện tích cà phê già vẫn còn rất lớn.
Tại Tây Nguyên, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có khoảng 86 nghìn ha, chiếm 16%, diện tích cà phê 15-20 năm tuổi khoảng 140 nghìn ha, chiếm khoảng 26%. Trong khi đó, việc tái canh gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên gần đây cho thấy, tỷ lệ vườn cà phê tái canh thất bại lên tới 38%. Nguyên nhân được xác định là do nông dân chưa áp dụng đúng quy trình tái canh đã được ban hành.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID – 19 tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam. Trong đó, có rất nhiều công ty cũng đang gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ cà phê giảm, sức mua yếu, cả trong nước lẫn ngoài nước. Đây cũng sẽ là yếu tố gây thêm những khó khăn cho ngành cà phê toàn cầu cũng như thị trường cà phê Việt thời gian tới.
Nguồn: Báo cáo thị trường cà phê niên vụ 2019 – 2020, vietnambiz.vn